Scam là gì? Các hình thức scam thường gặp và cách phòng tránh

Scam là gì và vì sao đây là một vấn đề nghiêm trọng mà ai cũng cần hiểu biết về nó? Scam ngày càng “bành trướng” trong thế giới mà công nghệ kỹ thuật số và mạng internet phổ biến đến mức mà người người nhà nhà đều biết như hiện nay. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm scam, các hình thức scam phổ biến và những cách mà bạn có thể bảo vệ mình khỏi những rủi ro.

Scam là gì?

Scam (lừa đảo) là những hành vi không trung thực nhằm mục đích lừa dối các cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức để chiếm đoạt tài sản hoặc dữ liệu riêng tư. Ví dụ như: lừa đảo qua email, Facebook, mạo danh và lừa đảo trên Zalo,…
scam là gì
Scam có nghĩa là lừa đảo

Scam bao gồm những hoạt động được thiết kế để khiến người khác tin vào một điều gì đó không đúng sự thật. Các scammer (kẻ lừa đảo) thường mạo danh những người có thẩm quyền như công an, ngân hàng,… để khiến nạn nhân tin tưởng. Scam có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như cuộc gọi điện thoại thông thường, email và qua mạng xã hội.

5 hình thức scam thường gặp

Khi internet phát triển như ngày nay, những kẻ lừa đảo dường như đã tìm thấy những cơ hội hoàn toàn mới. Chúng nhanh chóng tìm ra những hình thức lừa đảo mới thông qua các nền tảng trực tuyến. Hãy cùng điểm qua một số hình thức scam trực tuyến đã được biết đến hiện nay:

1. Lừa đảo giả mạo (Phishing Scam)

Lừa đảo giả mạo là một hình thức gian lận trực tuyến trong đó kẻ lừa đảo giả mạo thành một tổ chức, ngân hàng, dịch vụ trực tuyến, hoặc một cá nhân tin cậy. Thông thường, kẻ giả mạo liên lạc với nạn nhân thông qua email hoặc tin nhắn, để thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm của họ.

Mục tiêu của lừa đảo phishing là lấy cắp thông tin như số tài khoản ngân hàng, thông tin đăng nhập, mật khẩu, số thẻ tín dụng, hoặc thông tin cá nhân khác của nạn nhân. Sau khi thu thập thông tin này, kẻ lừa đảo có thể sử dụng nó để tiến hành gian lận tài chính, lừa đảo thẻ tín dụng, xâm nhập vào tài khoản trực tuyến của người bị lừa đảo, hoặc thậm chí bán thông tin đó cho bên thứ ba.

Đọc thêm về: 2 Cách Khóa Facebook Trên Máy Tính, Điện Thoại

phishing scams là gì
Phishing là lừa đảo bằng cách giả danh thực thể đáng tin cậy

2. Lừa đảo qua cảnh báo virus

Nếu bạn từng thấy một cửa sổ pop-up khi đang duyệt web thông báo rằng thiết bị của bạn đã nhiễm virus và cần tải phần mềm antivirus, bạn đã gặp phải hình thức lừa đảo này. Mục tiêu của kế hoạch này là làm cho người dùng hoang mang và thực hiện các hành động mà kẻ lừa đảo mong muốn, thường là việc tải xuống phần mềm giả mạo hoặc truy cập vào trang web độc hại.

Khi cảnh báo xuất hiện, người dùng có thể được yêu cầu tải và cài đặt một phần mềm antivirus giả mạo. Thay vì bảo vệ, phần mềm này thường chứa phần mềm độc hại hoặc adware. Kẻ lừa đảo sau đó sẽ yêu cầu truy cập từ xa vào thiết bị của người dùng để thực hiện thanh toán hoặc chiếm đoạt dữ liệu.

3. Lừa đảo qua hẹn hò (Catfishing & Dating Scam)

“Catfish” là một thuật ngữ tiếng Anh được sử dụng để mô tả việc một người tạo ra danh tính giả để xây dựng mối quan hệ với người khác. Lừa đảo qua hẹn hò thường được tiến hành thông qua các trang web hẹn hò, ứng dụng hẹn hò hoặc mạng xã hội. Kẻ lừa đảo sẽ tạo một hồ sơ cá nhân trông có vẻ thuyết phục với đầy đủ hình ảnh và thông tin cá nhân, nhưng không có điều nào trong số đó là thật.

scam nghĩa là gì
Dating scam cũng là hình thức đáng lưu ý

Kẻ lừa đảo sẽ xây dựng một mối quan hệ từ xa với đối tượng mục tiêu trong một khoảng thời gian dài. Khi mối quan hệ phát triển nhanh chóng, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra những lời hứa hẹn trong tương lai, ví dụ như việc gặp mặt. Sau khi có được sự tin tưởng của nạn nhân, chúng sẽ nói với nạn nhân về các tình huống khó khăn mình đang gặp phải, ví dụ như chi phí y tế, tai nạn bất ngờ, khủng hoảng gia đình, chi phí pháp lý,…. và lừa tiền từ nạn nhân.

4. Lừa đảo bằng gây quỹ (Crowdsourcing Scam)

Các nền tảng thu thập quỹ cộng đồng như Kickstarter, GoFundMe và Indiegogo cho phép mọi người nhận quyên góp từ bất kỳ ai trên internet. Thông thường, mọi người sẽ sử dụng các nền tảng gây quỹ cộng đồng để tài trợ cho các dự án sáng tạo, doanh nghiệp start-up, chi trả chi phí y tế cho những mảnh đời bất hạnh hoặc xây dựng các công trình từ thiện.

Mục tiêu của hình thức scam này thường là để lừa tiền từ cộng đồng bằng cách sử dụng thông tin giả mạo, dự án không có thực. Một số kẻ lừa đảo lợi dụng các nền tảng gây quỹ bằng cách tạo ra các chiến dịch giả mạo nhằm thu hút lòng trắc ẩn của cộng đồng. Sau khi đã gom được một số tiền quyên góp đáng kể, kẻ lừa đảo cuỗm tiền và biến mất.

scam nghĩa là gì
Nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng

5. Lừa đảo cho thuê nhà (Rental Scam)

Việc lừa đảo cho thuê nhà là tình huống thường gặp với đối tượng là những sinh viên hoặc người lao động đến nơi khác học tập và làm việc. Kẻ lừa đảo sẽ đăng tải các thông tin giả mạo về căn hộ để thu hút sự quan tâm của người thuê. Trường hợp khác là căn hộ thực sự tồn tại nhưng kẻ lừa đảo không có quyền cho thuê

Khi người thuê có hứng thú với căn hộ, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc trước. Khi người thuê hoàn tất chuyển tiền và ký hợp đồng, kẻ lừa đảo biến mất. Sau đó, người thuê sẽ bị chủ sở hữu thực sự đuổi ra ngoài vì hợp đồng họ đã ký là giả và không có giá trị pháp lý.

8 Cách nhận biết scam để đề phòng lừa đảo

Các kẻ lừa đảo trực tuyến luôn tìm cách tận dụng sự tin tưởng, sự cả tin của chúng ta, và niềm hoảng sợ để lừa đảo chúng ta ra khỏi tiền và thông tin cá nhân. Vì vậy, làm thế nào để bạn có thể nhận ra những hiểm họa này và nhận biết được các hình thức lừa đảo trực tuyến? Sau đây là một số dấu hiệu của scam mà bạn cần lưu ý:

1. Tự xưng danh tính đến từ tổ chức tên tuổi

Kẻ lừa đảo trực tuyến thường sử dụng tên của những tổ chức để khiến bạn giảm suy nghĩ đề phòng. Hãy cảnh giác với bất kỳ ai gửi tin nhắn hoặc gọi cho bạn và tự xưng rằng họ đến từ một cơ quan nhà nước nào đó hoặc công ty lớn.

scam
Hãy cảnh giác với những scammer giả danh

2. Tạo cảm giác cấp bách

Những kẻ lừa đảo trực tuyến biết họ cần thôi thúc bạn hành động nhanh chóng trước khi bạn nhận ra họ đang lừa bạn. Thông thường, họ sẽ tạo ra cảm giác cấp bách để ngăn bạn kiểm tra thông tin của họ trước. Trong tình huống hoảng loạn, bạn có thể sẽ đưa ra quyết định nông nổi và không có thời gian để xem xét hay xác minh thông tin.

3. Liên hệ bạn một cách đột ngột

Một trong những dấu hiệu lớn của scam là khi người lạ liên hệ bạn mà bạn chưa từng có bất kỳ liên hệ trước đó. Scammer thường sử dụng email, cuộc gọi điện thoại, hoặc tin nhắn không mời của họ để tiếp cận bạn. Nếu bạn nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hoặc email nào từ một người bạn không biết, hãy xác minh họ là ai trước rồi hãy phản hồi.

4. Yêu cầu bạn tiết lộ thông tin

Scammer có thể yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm như số căn cước, số thẻ tín dụng, hoặc mật khẩu ngân hàng, mã OTP xác thực. Ví dụ, kẻ lừa đảo sẽ giả vờ là nhân viên ngân hàng của bạn và yêu cầu bạn đọc mã PIN hoặc mã OTP để thực hiện cài đặt bảo mật cho tài khoản của bạn. Tuy nhiên, các nhân viên ngân hàng thực sự sẽ chẳng bao giờ hỏi bạn điều đó.

scamming
Cảnh giác khi đối phương yêu cầu bạn tiết lộ thông tin

5. Yêu cầu thanh toán trước

Scammer thường yêu cầu bạn thanh toán một khoản tiền trước khi bạn nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ. Họ có thể nói với bạn rằng đó là chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, hoặc một loại chi phí khác.

6. Hứa hẹn nhiều

Hứa hẹn quá nhiều cũng là một dấu hiệu của scam. Nếu có một ai đó đưa ra cho bạn một tốt đến mức bạn nghi ngờ rằng nó không có thật, khả năng cao là họ chỉ đang cố gắng lừa dối bạn. Không có việc gì là “việc nhẹ lương cao”, do đó hãy cẩn thận nếu ai đó đề nghị bạn làm điều gì đó quá đơn giản nhưng lại có phần thưởng “hậu hĩnh”.

7. Nhắc đến người thân

Một số kẻ lừa đảo sẽ cố gắng liên hệ với bạn và tạo cảm giác gấp gáp bằng cách nói với bạn rằng có điều gì đó không ổn xảy ra với người thân của họ. Thay vì trở nên hoảng loạn, bạn nên trực tiếp liên hệ với người thân đã xác minh thông tin. Đừng vội vàng tin tưởng đối phương nếu họ vô tình nhắc đến người thân trong gia đình.

8. Sự bất thường của tài khoản mạng xã hội người quen

Có không ít trường hợp các hacker tìm cách truy cập vào mạng xã hội của nạn nhân và lừa đảo người quen của nạn nhân. Ngay cả khi tài khoản nhắn cho bạn là tài khoản mà bạn biết, hãy cẩn trọng nếu họ đột nhiên nhờ bạn thực hiện một giao dịch bất thường hoặc một hành động kỳ lạ.

scam
Nếu người quen đột nhiên nhắn tin khác thường thì hãy cẩn thận

Cách phòng tránh Scam trong thực tế

Bây giờ mà bạn đã biết những dấu hiệu của các hành động lừa đảo cần phải cảnh giác. Vậy bạn cần làm gì để tránh gặp phải các hành vi lừa đảo? Sau đây là những thói quen có thể giúp bạn tránh được những rủi ro lừa đảo trực tuyến.

Tìm hiểu trước khi mua hàng

Để đảm bảo an toàn khi mua sắm online, hãy đảm bảo rằng bạn mua sắm trên trang web chính thức của nhãn hàng hoặc bất cứ kênh bán hàng juy tín nào khác của họ. Đôi khi, bạn có thể bắt gặp những bài đăng ưu đãi mua hàng và vội vàng nhấp vào đặt hàng vì màn hình thông báo bạn chỉ còn vài phút nhận ưu đãi. Tuy nhiên, hãy kiểm tra kỹ càng trang web bạn đang tiến hành mua hàng vì đôi khi chúng chỉ là những trang lừa đảo.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng

So với thẻ ghi nợ và chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng là một hình thức thanh toán an toàn hơn nhiều. Đơn vị cấp thẻ tín dụng sẽ hỗ trợ bạn trong trường hợp scam vì tiền của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Khi bạn bị lừa, họ có thể hỗ trợ bạn trong việc khóa thẻ hoặc các hành động khác.

credit card
Nên thanh toán giao dịch bằng thẻ tín dụng

Không tải tệp đính kèm hoặc nhấp vào liên kết không rõ nguồn gốc

Kẻ lừa đảo có thể sử dụng tệp đính kèm và liên kết không đảm bảo để khiến thiết bị của bạn bị nhiễm virus hoặc bị tấn công. Một ví dụ điển hình của loại tấn công này là Trojan. Trojan là những phần mềm được ngụy trang thành các ứng dụng hoặc tệp đính kèm vô hại trong khi thực tế là chứa các mã độc. Vì vậy, đừng nhấp vào những liên kết hoặc tệp tin mà bạn không rõ nguồn gốc.

Bảo mật thông tin riêng tư

Nhiều trang web và nền tảng trực tuyến thường yêu cầu bạn trả lời một loạt các câu hỏi bảo mật trong trường hợp bạn cần khôi phục mật khẩu. Những thông tin này không nên được chia sẻ cho những người xung quanh hoặc trên mạng xã hội. Nếu không, kẻ lừa đảo có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi bảo mật của bạn cho các tài khoản quan trọng.

Kiểm tra trước khi phản hồi người lạ

Khi bạn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn hoặc email đến từ những người mà bạn chưa bao giờ liên hệ. Hãy cẩn thận và đừng vội tin vào những thông tin từ họ vì đó có thể là những kẻ lừa đảo. Chẳng hạn nếu có một ai đó gọi bạn và nói rằng bạn cần thanh toán một gói hàng, hãy kiểm tra thông tin chuyển tiền mà đối phương cung cấp cũng như xác thực xem bạn có món hàng nào đang vận chuyển hay không.

Lời kết

Qua bài viết trên, bạn đã hiểu được scam là gì và những dấu hiệu để nhận biết scam. Khi công nghệ trên thế giới phát triển, các thủ đoạn của kẻ xấu cũng phát triển theo. Dù là trong tình huống nào, chúng ta cần giữ một cái đầu lạnh để phân tích và nhận ra những dấu hiệu bất thường và tránh bị lừa đảo. Hy vọng bạn đã hiểu hơn về scam và đừng quên chia sẻ bài viết trên của Website Bán Hàng nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *