Podcast là gì? Nhờ đâu mà podcast lại phát triển như hiện nay và những lợi ích của podcast là gì? Trong thời đại số hóa như hiện nay, ngày càng nhiều hình thức content marketing xuất hiện, trong đó có podcast. Không chỉ đánh bại radio truyền thống mà podcast còn đang tạo ra một cuộc cách mạng trong cách chúng ta tiêu thụ thông tin.
Podcast là gì?
Podcast là một định dạng phương tiện truyền thông kỹ thuật số dưới dạng âm thanh được phát trực tuyến và có thể tải về để nghe lại.
Podcast cho phép người tạo nội dung (podcaster) tạo và chia sẻ các tập phát sóng trên internet về một loạt các chủ đề tùy thích như giải trí, giáo dục, khoa học, công nghệ và thậm chí là chia sẻ về kinh nghiệm hoặc quan điểm cá nhân. Người nghe có thể đăng ký theo dõi các podcast và tự do lựa chọn khi nào họ muốn nghe. Podcast hiện đã trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến trong việc tạo nội dung và tiếp cận khán giả trên toàn cầu.
Khám phá thêm về: Content là gì? 9 loại content và các mẹo viết content hay
Lịch sử của podcast
Podcasting đã tồn tại từ những năm 1980. Ban đầu, podcast được gọi là “blog âm thanh” (audio blogging). Mọi người ghi lại những đoạn âm thanh của mình và chia sẻ trên internet, điều này cũng giống như viết blog nhưng nội dung được đăng tải dưới dạng âm thanh. Vào năm 2004, Ben Hammersly là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “podcast” để mô tả loại hình nội dung này. Thuật ngữ này là sự kết hợp giữa từ “iPod” và “broadcast”
Sự phát triển của podcast bắt đầu vào giữa thập kỷ 2000 khi internet và băng thông trở nên phổ biến. Vào năm 2004, cựu MC video MTV Adam Curry và nhà phát triển phần mềm Dave Winer đã viết ứng dụng iPodder – hiện nay được gọi là Juice – cho phép người dùng tải xuống các chương trình radio từ các đài phát thanh trên internet và lưu trữ chúng trên iPod của họ. Curry được gọi là “Podfather” (cha đẻ của podcast) do vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phổ biến phương tiện này.
Năm 2019, Spotify mua lại Gimlet Media và Anchor, hai nền tảng lưu trữ podcast nổi bật. Điều này đánh dấu sự quan tâm của nền tảng streaming này đối với các nội dung podcast. Cùng năm, Edison Research đã công bố “Podcast Consumer Tracking Report” (Báo cáo theo dõi người dùng Podcast). Theo đó, 90 triệu người tại Hoa Kỳ đã nghe podcast trong một tháng. Theo thời gian, podcast tiếp tục phát triển và trở nên thịnh hành như hiện tại.
Cách hoạt động của podcast là gì?
Podcast là nội dung âm thanh kỹ thuật số được phân phối qua internet bằng cách sử dụng một dịch vụ lưu trữ podcast. Những dịch vụ này lưu trữ tất cả các tập podcast tại một vị trí và tự động tạo ra các RSS feed. Những RSS feed này liệt kê tất cả các tập podcast của người tạo podcast. Chúng cũng có thể tự động gửi RSS feed đó đến các thư mục podcast, nơi mà người nghe có thể truy cập chúng.
Thư mục podcast (podcast directory) là một ứng dụng mà người nghe có thể sử dụng để tìm kiếm, lưu trữ và nghe podcast, ví dụ như Spotify. Khi người nghe đăng ký theo dõi một podcast, RSS feed của họ sẽ tự động cập nhật thiết bị của họ với các tập phát sóng mới.
Cách tạo podcast là gì?
Việc tạo podcast thực chất không quá phức tạp. Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một số công cụ cần thiết để bắt đầu ghi âm. Các công cụ này bao gồm:
- Micro: Micro USB tương đối rẻ và dễ sử dụng để ghi âm. Micro tích hợp trên laptop hoặc điện thoại thông minh cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn muốn có chất lượng âm thanh chuyên nghiệp thì Website Bán Hàng khuyên rằng bạn nên sử dụng micro ghi âm chất lượng cao.
- Ứng dụng ghi âm: Có nhiều thiết bị thường đi kèm với ứng dụng ghi âm miễn phí, chẳng hạn như ứng dụng Voice Memos của Apple để ghi và lưu trữ âm thanh. Audacity là phần mềm ghi âm miễn phí hoạt động trên hệ điều hành máy tính để bàn như Microsoft Windows, Apple macOS và Linux. Các ứng dụng ghi âm có thể đi kèm với phần mềm chỉnh sửa và cho phép xuất tệp âm thanh.
- Trang web lưu trữ: Sau khi ghi âm, podcast có thể được phân phối bằng cách sử dụng nền tảng phân phối podcast, chẳng hạn như Podbean, Podcast Websites hoặc Spreaker.
Sau đây là 9 bước để ghi âm một podcast bằng một máy tính và micro USB:
- Bước 1: Cắm micro vào cổng USB của máy tính.
- Bước 2: Cài đặt ứng dụng Audacity miễn phí hoặc một ứng dụng âm thanh kỹ thuật số khác. Hoặc bạn có thể sử dụng GarageBand đi kèm với Apple iOS và macOS, Windows 10 cũng có sẵn ứng dụng Voice Recorder.
- Bước 3: Mở ứng dụng ghi âm và thiết lập đầu vào âm thanh để nhận dạng âm thanh từ micro.
- Bước 4: Kiểm tra micro để đảm bảo âm thanh có thể được ghi âm tốt.
- Bước 5: Nhấn nút ghi âm và bắt đầu ghi âm.
- Bước 6: Chỉnh sửa podcast bằng cách sử dụng các công cụ tích hợp trong ứng dụng âm thanh kỹ thuật số hoặc một ứng dụng như Adobe Audition.
- Bước 7: Xuất tệp âm thanh trong ứng dụng ghi âm.
- Bước 8: Tải lên tệp âm thanh lên một nền tảng chia sẻ podcast, chẳng hạn như SoundCloud, Podbean hoặc Spreaker.
- Bước 9: Chia sẻ podcast đã xuất bản trên các nền tảng để mạng xã hội và nơi khác để thu hút người nghe.
Nếu người tạo podcast (podcaster) muốn có người nghe trung thành, họ sẽ cần hiểu được đối tượng mục tiêu là ai và những đặc điểm của đối tượng này để tạo ra nội dung phù hợp hơn với những đối tượng này.
Lợi ích và hạn chế của podcast là gì?
Không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người nhận ra rằng, sự phát triển của podcast không chỉ là một trào lưu tạm thời mà sẽ tồn tại lâu dài. Thực tế, đó là vì podcast mang lại nhiều lợi ích đáng kể đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Lợi ích của podcast
- Chi phí thấp: Bạn có thể tạo một podcast mới mà không cần phải đầu tư quá nhiều chi phí cho thiết bị. Để tạo một podcast, bạn chỉ cần một micro, phần mềm âm thanh, một máy tính và kết nối internet.
- Dễ phân phối: Podcast có thể được tải lên và khả dụng cho mọi người bằng cách sử dụng tài khoản miễn phí trên YouTube hoặc SoundCloud. Mọi dịch vụ hoặc thiết bị có khả năng lưu trữ một tệp âm thanh đều có thể lưu trữ podcast.
- Không bị ràng buộc thời gian: Người nghe có tự do lựa chọn thời điểm phù hợp để nghe podcast mà không bị ràng buộc bởi lịch phát sóng cố định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người nghe khi họ có thể nghe bất cứ khi nào có thời gian thay vì phải truy cập đúng khung giờ cố định.
- Đa chủ đề: Podcast không bắt buộc podcaster phải tạo nội dung về bất cứ chủ đề cụ thể nào. Bạn có thể tự do sáng tạo podcast của mình vì mục đích giải trí hoặc chia sẻ thông tin hữu ích. Podcast cho phép bạn nói chuyện, thảo luận, và chia sẻ một cách tự nhiên và gần gũi giúp thu hút người nghe.
- Tiện lợi: Không giống như việc đọc báo hay xem video, podcast cho phép bạn multitasking trong khi lắng nghe âm thanh. Chẳng hạn, một người có thể mở podcast để nghe trong khi nấu cơm hoặc tập thể dục, làm việc, học tập, v.v.
Hạn chế của podcast
Podcast đã trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến và ngày càng được ưa chuộng. Với sự phát triển của công nghệ, podcast đã mang lại nhiều lợi ích cho người nghe, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế.
- Đòi hỏi nhiều thời gian: Để tạo ra podcast chất lượng, bạn cần có thời gian để ghi âm và biên tập các tập. Bạn cũng cần phải quảng bá podcast của mình để thu hút thêm người nghe. Điều này có thể là một thách thức nếu bạn là người có lịch trình bận rộn.
- Không phải ai cũng nghe podcast: Podcast không phải là phương tiện truyền thông phổ biến với tất cả mọi đối tượng. Trước khi tạo podcast, bạn cần xác định xem liệu đây có phải là cách tiếp cận đối tượng mục tiêu phù hợp nhất hay không.
- Khó khăn trong việc thu hút và duy trì lượng lớn người nghe: Podcast cần một thời gian dài để xây dựng được cộng đồng người nghe đáng kể. Không phải tất cả podcast đều thu hút một lượng lớn người nghe ngay từ đầu và giữ chân được người nghe cũng cần đến nỗ lực bền bỉ.
- Khó khăn trong việc tạo doanh thu: Podcast có thể giúp tiếp cận đối tượng và tạo ấn tượng tích cực đối với người theo dõi, nhưng việc tạo thu nhập từ podcast có thể khá khó khăn. Hầu hết các podcast phụ thuộc vào quảng cáo hoặc hình thức tài trợ để kiếm tiền, và việc tìm kiếm đối tác quảng cáo hoặc tài trợ không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Nghe podcast ở đâu?
Podcast đã trở thành một hình thức phổ biến để tiếp tục học hỏi và giải trí. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nơi tìm kiếm podcast trên điện thoại di động. Trong phần này, Website Bán Hàng sẽ hướng dẫn bạn nơi nghe podcast trên 3 ứng dụng: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.
Spotify
Spotify là một dịch vụ phát nhạc và podcast trực tuyến được thành lập vào năm 2006. Spotify sở hữu thư viện podcast khổng lồ với nhiều chủ đề khác nhau như hài độc thoại, giáo dục, kinh doanh, marketing, tài chính,… Người dùng có thể tìm kiếm podcast theo chủ đề, tên chương trình hoặc tên podcaster. Spotify cũng cho phép người dùng tải xuống để nghe ngoại tuyến, chia sẻ podcast lên các mạng xã hội hoặc thêm vào thư viện riêng tư.
Nếu bạn chưa tải ứng dụng, hãy tải ứng dụng Spotify từ App Store hoặc Google Play và tiến hành tạo tài khoản. Với phiên bản máy tính, bạn truy cập đường dẫn sau để tải ứng dụng về thiết bị: www.spotify.com/vn-vi/download/windows/
Để nghe podcast, đầu tiên bạn truy cập vào ứng dụng Spotify trên điện thoại hoặc trên máy tính. Ở giao diện trang chủ, bạn sẽ nhìn thấy những playlist hàng đầu được đề xuất cho bạn. Bạn nhấp vào biểu tượng kính lúp bên dưới để chuyển qua thanh tìm kiếm.
Bạn có thể gõ tìm kiếm tên của podcaster, tên podcast muốn nghe. Ví dụ, bạn muốn tìm podcaster The Present Writer, bạn nhập “The Present Writer” và kết quả sẽ hiển thị ngay hồ sơ của podcaster và các tập podcast mới nhất của họ.
Hoặc nếu bạn không biết nên tìm kiếm gì thì có thể lướt xuống mục Browse all và nhấp vào Podcasts. Các podcast được chia theo các chủ đề khác nhau như Educational (Giáo dục), Comedy (Hài), Documentary (Tài liệu), Pop Culture (Văn hóa đại chúng),… Bạn có thể nhấp vào một chủ đề mình thích và khám phá những podcast theo chủ đề đó.
Để tải podcast, bạn tìm đến tập podcast đó và nhấp vào mũi tên Download. Tập Podcast đó sẽ được lưu trong một playlist riêng và bạn chỉ cần nhấp vào để nghe bất cứ khi nào bạn muốn.
Apple Podcasts
Apple Podcasts là một ứng dụng podcast được phát triển bởi Apple. Apple Podcasts có thư viện podcast lớn thứ hai thế giới với hơn 1,5 triệu podcast thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Với giao diện người dùng được thiết kế tốt và dễ sử dụng, người dùng dễ dàng tìm kiếm podcast, theo dõi podcaster yêu thích và quản lý thư viện podcast của mình.
Bạn có thể tìm thấy ứng dụng Podcasts ngay trên iPhone vì ứng dụng này thường được tải sẵn trong thiết bị. Bạn tìm kiếm ứng dụng và nhấp vào. Sau khi vào trang chủ, bạn sẽ nhìn thấy ô tìm kiếm và bạn có thể gõ podcast mình muốn nghe vào đó. Hoặc, bạn cũng có thể lướt thanh bên dưới ô tìm kiếm để khám phá podcast theo chủ đề.
Để download tập podcast và nghe khi không có sẵn internet, bạn nhấn giữ vào tập podcast đó và màn hình sẽ hiện các tùy chọn. Bạn nhấp vào Download để tải tập podcast.
Khi bạn theo dõi một podcast nào đó, những tập mới nhất sẽ được tự động tải về thiết bị của bạn. Nếu bạn muốn tắt chế độ này, hãy làm theo các bước sau:
- Bước 1: Mở ứng dụng Podcasts
- Bước 2: Tìm kiếm podcast bạn muốn tắt tải về tự động.
- Bước 3: Nhấp vào dấu 3 chấm ở trên cùng và chọn Settings (Cài đặt).
- Bước 4: Trong Downloads, chọn Automatically Download và nhấn Off.
Google Podcast
Google Podcast là gì? Google Podcasts là một ứng dụng podcast được phát triển bởi Google. Được tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái Google, ứng dụng này mang lại những trải nghiệm đặc biệt tiện lợi cho người dùng Android và iOS. Nếu bạn sử dụng tài khoản Google, Google Podcasts sẽ đồng bộ hóa danh sách podcast yêu thích và tiến độ nghe trên nhiều thiết bị. Bạn có thể bắt đầu nghe trên điện thoại và tiếp tục trên máy tính hoặc ngược lại.
Bạn có thể tải về ứng dụng Google Podcasts hoặc nghe ngay trên trình duyệt web. Để bắt đầu nghe, trước hết bạn truy cập vào ứng dụng Google Podcasts. Để tìm kiếm podcast muốn nghe, bạn chuyển sang mục Explore và tìm kiếm podcast muốn nghe.
Để theo dõi một podcast nào đó, bạn nhấp vào xem hồ sơ của kênh đó và nhấp vào dấu cộng. Để tải một tập podcast nào đó, bạn chỉ cần nhấp vào dấu mũi tên ở từng tập là xong.
Tổng kết
Như vậy qua bài viết trên, chúng ta đã khám phá podcast là gì, cách tạo podcast cũng như những ứng dụng podcast hàng đầu. Với sự tiện lợi của các ứng dụng phát podcast trực tuyến, bạn có thể tiếp thu thông tin theo một cách đặc biệt hơn. Hy vọng Website Bán Hàng đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích và đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người khác nhé!