Chạy quảng cáo Google là một cách hiệu quả để tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới – Google. Quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp của bạn xuất hiện trước mắt người dùng internet khi họ tìm kiếm các từ khóa liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quảng cáo Google và hướng dẫn chạy quảng cáo Google Ads.
Quảng cáo Google (Google Ads) là gì?
Google Ads là một nền tảng quảng cáo trả tiền trực tuyến được phát triển và quản lý bởi Google. Nền tảng này cho phép doanh nghiệp và các cá nhân quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, hoặc nội dung của họ trên Google và các nền tảng thuộc hệ sinh thái Google, ví dụ như YouTube.
Các quảng cáo Google Ads hoạt động dựa trên hệ thống PPC (Pay-Per-Click), nghĩa là bạn chỉ phải trả tiền khi người dùng nhấp vào xem quảng cáo của bạn. Nền tảng này cho phép bạn tùy chỉnh quảng cáo dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm từ khóa, địa điểm, đối tượng mục tiêu, ngân sách và thời gian. Bạn cũng có thể theo dõi hiệu suất của quảng cáo và tối ưu chiến dịch dựa trên dữ liệu để đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Lợi ích khi chạy quảng cáo Google ads là gì?
Chạy quảng cáo Google Ads là một trong những chiến lược quảng cáo mạnh mẽ và hiệu quả nhất mà các doanh nghiệp và cá nhân có thể sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu trên nền tảng trực tuyến. Bài viết này sẽ giới thiệu và phân tích một loạt lợi ích quan trọng mà bạn có thể đạt được khi đầu tư vào Google Ads. Chạy quảng cáo trên Google Ads mang lại nhiều lợi ích quan trọng như:
Tiếp cận đối tượng mục tiêu
Google Ads cho phép bạn tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu bằng cách lựa chọn những đối tượng hiển thị dựa trên nhân khẩu học hoặc các đặc điểm khác. Điều này đảm bảo rằng quảng cáo của bạn chỉ xuất hiện khi có người dùng tìm kiếm những từ khóa liên quan. Bằng cách này, quảng cáo tạo cơ hội để tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi và tạo ra doanh số bán hàng tốt hơn.
Kiểm soát chi phí
Một trong những ưu điểm khi sử dụng Google Ads đó là người dùng có thể toàn quyền kiểm soát ngân sách mình muốn chi trả. Google Ads cho phép bạn đặt một mức ngân sách tối đa hàng ngày và đảm bảo rằng bạn sẽ không vượt quá mức đó. Một khi bạn đã tiêu hết ngân sách hàng ngày, quảng cáo của bạn sẽ ngừng hiển thị cho đến khi qua ngày tiếp theo.
Ngân sách hiệu quả
Google Ads áp dụng hệ thống quảng cáo PPC, nghĩa là bạn chỉ phải trả tiền khi có người nhấp vào quảng cáo của bạn. So với các hình thức quảng cáo khác, hình thức PPC được ưa chuộng hơn vì chi phí được sử dụng hiệu quả hơn. Thay vì chi tiền từ ngày này qua ngày khác để hiển thị quảng cáo mà không mang lại lợi ích gì, loại quảng cáo này giúp đảm bảo rằng bạn chỉ trả tiền cho những quảng cáo có hiệu quả cao nhất.
Dễ dàng đo lường hiệu quả
Sử dụng Google Ads giúp người dùng đo lường hiệu quả của các chiến dịch nhờ có các công cụ và tính năng theo dõi, phân tích chi tiết hiệu suất quảng cáo. Nền tảng này cung cấp các báo cáo chi tiết về số lần nhấp vào quảng cáo, tỷ lệ chuyển đổi, số lượng chuyển đổi, giá trị trung bình cho mỗi chuyển đổi, và nhiều thông tin khác.
Các hình thức quảng cáo Google
Quảng cáo là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức. Được thực hiện trên nhiều nền tảng và theo nhiều hình thức khác nhau, quảng cáo đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu đến gần với khách hàng. Có một số hình thức quảng cáo khác nhau:
Quảng cáo tìm kiếm
Quảng cáo tìm kiếm là một dạng quảng cáo trực tuyến hiển thị trên kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, hoặc Yahoo!. Loại quảng cáo này thường xuất hiện ở đầu hoặc phía trên kết quả tìm kiếm tự nhiên khi người dùng nhập các từ khóa cụ thể vào ô tìm kiếm. Thứ tự và vị trí của quảng cáo thường phụ thuộc vào các yếu tố như mức giá mà nhà quảng cáo trả cho mỗi lần nhấp và điểm chất lượng của quảng cáo.
Quảng cáo mua sắm
Quảng cáo mua sắm là một dạng quảng cáo trực tuyến được sử dụng để hiển thị các sản phẩm cụ thể và thông tin của chúng (ví dụ như giá cả) ngay trên kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm như Google hoặc các trang web mua sắm trực tuyến khác. Mục tiêu chính của quảng cáo mua sắm là tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng mua sắm trực tuyến để tìm và so sánh các sản phẩm, giá cả, và thông tin liên quan.
Cách thức hoạt động của quảng cáo mua sắm là khi người dùng tìm kiếm sản phẩm hoặc danh mục sản phẩm cụ thể, quảng cáo mua sắm sẽ xuất hiện trên kết quả tìm kiếm, thường là ở phía trên hoặc bên cạnh các kết quả tìm kiếm tự nhiên. Người dùng có thể so sánh giá cả và sản phẩm từ nhiều nhà bán hàng và chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất cho họ.
Quảng cáo hiển thị
Quảng cáo hiển thị là một hình thức quảng cáo trực tuyến trong đó các quảng cáo được hiển thị trên các trang web, ứng dụng di động, hoặc các nền tảng trực tuyến khác dưới dạng hình ảnh, video, hoặc bất kỳ định dạng nội dung nào. Thông thường, quảng cáo hiển thị sẽ nằm ở những vị trí như thanh dọc bên trái hoặc bên phải trên các trang web.
Quảng cáo video
Quảng cáo video là một hình thức quảng cáo trực tuyến trong đó quảng cáo được hiển thị trong nội dung video trực tuyến, chẳng hạn như trước, trong, hoặc sau khi người dùng xem video trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, Vimeo hoặc các trang web và ứng dụng di động khác. Quảng cáo video có khả năng tạo ấn tượng mạnh mẽ trên người xem và là một công cụ quảng cáo hiệu quả để truyền đạt thông điệp thương hiệu và tạo sự nhận diện.
Quảng cáo Khám phá
Quảng cáo Khám phá là một dạng quảng cáo trả tiền trên nền tảng Google Ads. Loại quảng cáo này được thiết kế để hiển thị trên các kênh khám phá của Google, bao gồm trang chủ của ứng dụng di động Google, trang chủ của Google Search trên thiết bị di động và trang chủ của YouTube.
Quảng cáo địa phương
Quảng cáo địa phương của Google là một dịch vụ quảng cáo dành cho các doanh nghiệp địa phương hoặc cửa hàng vật lý để tạo sự nhận diện và thu hút khách hàng trong khu vực xung quanh doanh nghiệp của họ. Đây là một phần của chiến dịch quảng cáo địa phương của Google nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng trong khu vực địa lý xung quanh văn phòng của họ.
Một số thuật ngữ cần biết khi chạy quảng cáo Google Ads
Trước khi chúng ta bước vào hướng dẫn chạy quảng cáo chi tiết, bạn cần nắm được một số thuật ngữ như sau:
- Từ khóa: Đây là các từ hoặc cụm từ mà bạn muốn quảng cáo của bạn sẽ hiển thị khi người dùng nhập vào thanh tìm kiếm. Khi thiết lập chiến dịch quảng cáo, bạn sẽ chọn một danh sách các từ khóa mà bạn nghĩ người dùng có thể tìm kiếm khi họ muốn mua sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.
- Giá thầu: Đây là số tiền tối đa bạn sẵn sàng chi trả khi có người nhấp vào quảng cáo của bạn. Với Google Ads, bạn chỉ trả tiền khi người nhấp vào quảng cáo của bạn.
- Điểm chất lượng: Thước đo này cho bạn biết mức độ liên quan của từ khóa đối với quảng cáo và landing page. Điểm chất lượng tốt có thể giảm giá thầu của bạn và cải thiện vị trí quảng cáo trong kết quả tìm kiếm.
- Xếp hạng quảng cáo: Thước đo này giúp xác định nơi quảng cáo của bạn sẽ xuất hiện so với các quảng cáo khác khi xuất hiện trên Google.
- CPC (chi phí trả trên mỗi lần nhấp chuột): Đây là số tiền thực tế bạn chi trả khi ai đó nhấp vào quảng cáo của bạn. Bạn không nhất thiết phải trả giá thầu cho mỗi lần nhấp chuột, giá thầu chỉ là phạm vi chi phí mà bạn có thể chi trả.
- Chuyển đổi: Chuyển đổi xảy ra khi ai đó nhấp vào quảng cáo của bạn và thực hiện một hành động cụ thể – chẳng hạn như mua hàng, đăng ký nhận bản tin, hoặc đăng ký dùng thử.
8 bước chạy quảng cáo Google Ads thu hút khách hàng tiềm năng
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách chạy quảng cáo Google và những gì bạn cần làm để tiến hành chiến dịch quảng cáo.
Bước 1: Tạo tài khoản Google Ads
Trước khi tạo chiến dịch quảng cáo, bạn cần có một tài khoản Google Ads. Để đăng ký Google Ads thành công, bạn cần có những điều sau:
- Tài khoản Gmail: Để đủ điều kiện chạy quảng cáo trên Google Ads, bạn cần có một tài khoản Gmail vẫn còn hoạt động.
- Website doanh nghiệp hoặc landing page: Bạn cần có một trang web hoặc landing page để người xem quảng cáo xem khi họ nhấp vào quảng cáo.
- Phương thức thanh toán: Bạn cần liên kết tài khoản thanh toán của mình với Google Ads để tiến hành thanh toán chi phí chạy quảng cáo.
Bước 2: Chọn mục tiêu chiến dịch
Sau khi truy cập giao diện Google Ads, bạn nhấp vào mục Chiến dịch, sau đó nhấp chọn dấu + để tạo chiến dịch mới.
Tiếp theo, màn hình sẽ hiển thị những mục tiêu của chiến dịch. Bạn sẽ nhìn thấy 8 mục tiêu như hình dưới. Sau khi chọn mục tiêu cho chiến dịch quảng cáo, bạn nhấp chọn Tiếp tục.
Bước 3: Chọn loại chiến dịch
Trong bước này, bạn sẽ chọn loại chiến dịch quảng cáo và nhấp Tiếp tục.
Sau đó, bạn cần nhập URL của trang mà bạn muốn người dùng được dẫn đến sau khi họ nhấp vào quảng cáo, đó có thể là landing page hoặc trang chủ website doanh nghiệp. Kéo xuống dưới, bạn tạo hành động chuyển đổi cho quảng cáo để đo lường tỷ lệ chuyển đổi và đặt tên cho chiến dịch và qua bước tiếp theo.
Bước 4: Thiết lập chiến dịch quảng cáo
Trước khi cài đặt quảng cáo thì bạn sẽ cần đặt mức giá thầu. Bạn hãy để lựa chọn là Tối đa hóa số lần nhấp, lựa chọn này giúp bạn nhận được nhiều lần nhấp chuột nhất với ngân sách của mình. Sau đó bạn nhấp chọn Tiếp tục.
- Chọn mạng: Nếu bạn muốn quảng cáo hiển thị khi người dùng tìm kiếm một từ khóa trên Google, bạn tick vào ô Mạng tìm kiếm.
- Chọn địa điểm: Bạn chọn vị trí địa lý bạn muốn hiển thị quảng cáo.
Sau khi thiết lập các cài đặt khác, bạn nhấp Tiếp.
Bước 5: Cài đặt từ khóa
Tại bước này, bạn cần chọn từ khóa theo các loại sau:
- Broad Match (Đối sánh rộng)
- Ví dụ: Nếu bạn chọn từ khóa “giày thể thao”, quảng cáo có thể xuất hiện khi người dùng tìm kiếm bất kỳ từ khóa nào liên quan như “giày chạy”, “giày nữ thoải mái” và nhiều từ khóa khác. Nếu chọn loại từ khóa này thì bạn nhập từ khóa bình thường và không cần dấu ngoặc kép.
- Phrase Match (Đối sánh cụm từ)
- Ví dụ: Nếu bạn chọn từ khóa “giày thể thao”, quảng cáo có thể xuất hiện khi người dùng tìm kiếm các cụm từ như “mua giày thể thao”, “giày thể thao nữ” nhưng sẽ không xuất hiện với từ khóa “mua giày đi chơi thể thao”. Với loại từ khóa này, bạn nhập từ khóa trong dấu ngoặc kép.
- Exact Match (Đối sánh chính xác)
- Ví dụ: Nếu bạn chọn từ khóa “giày thể thao”, quảng cáo sẽ chỉ xuất hiện khi người dùng tìm kiếm chính xác cụm từ “giày thể thao” mà không có bất kỳ từ nào thêm vào hoặc lược bỏ. Nếu chọn loại từ khóa đối sánh này thì bạn nhập từ khóa trong dấu ngoặc vuông.
Bước 6: Tạo quảng cáo
Quảng cáo bao gồm các phần như tiêu đề, mô tả, URL cũng như một số yếu tố khác. Sau đây là một số lưu ý bạn cần biết khi tạo quảng cáo:
- Tiêu đề: tối đa 30 ký tự
- Mô tả: dài 90 ký tự
- URL cuối cùng: trang người dùng được dẫn đến sau khi nhấp vào quảng cáo
Có thể có nhiều hơn một mẫu quảng cáo, do đó bạn hãy viết theo yêu cầu của Google và nên chèn từ khóa vào tiêu đề của quảng cáo. Sau khi nhập xong, bạn chọn Lưu và tiếp tục.
Bước 7: Thêm phần mở rộng
Trong các loại chiến dịch Tìm kiếm, Video, Khám phá và Tối đa hoá hiệu suất, bạn có thể bổ sung thông tin vào quảng cáo, chẳng hạn như các liên kết khác đến trang web, hướng dẫn đường hoặc số điện thoại.
Việc thêm những phần mở rộng này giúp tạo thêm nhiều lý do để người dùng chọn doanh nghiệp của bạn và tăng tỷ lệ nhấp chuột.
Bước 8: Cài đặt ngân sách
Cài đặt ngân sách là một trong những bước cuối cùng. Bạn nhập số tiền là mức chi tiêu trung bình hằng ngày mà bạn muốn. Sau đó bạn nhấn Tiếp để xem lại quảng cáo. Nếu không có gì cần chỉnh sửa, chọn Xuất bản.
Một số lưu ý khi chạy quảng cáo Google Ads
Quảng cáo trên Google Ads là một phương tiện quan trọng để đưa doanh nghiệp của bạn đến với đám đông trực tuyến và tăng cơ hội thu hút khách hàng. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn nên xem xét khi chạy chiến dịch quảng cáo trên Google Ads, để đảm bảo bạn có một chiến dịch hiệu quả và tối ưu:
- Xác định mục tiêu chiến dịch: Để bắt đầu, hãy xác định rõ mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp cho chiến dịch quảng cáo trên Google Ads. Đó có thể là tăng doanh số bán hàng, tạo nhận thức thương hiệu, thu thập thông tin liên hoặc thúc đẩy tương tác trên trang web.
- Nghiên cứu từ khóa: Sử dụng công cụ tìm từ khóa của Google để nghiên cứu và chọn từ khóa phù hợp với nội dung và mục tiêu của bạn. Đảm bảo rằng bạn chọn những từ khóa có mối liên hệ mạnh mẽ với sản phẩm hoặc dịch vụ bạn quảng cáo.
- Tối ưu hóa Landing Page: Quảng cáo chỉ là cánh cửa dẫn người dùng đến mục đích ban đầu. Hãy chắc chắn rằng trang đích mà người dùng truy cập sau khi nhấp vào quảng cáo cung cấp thông tin hữu ích và thú vị.
- Chọn loại quảng cáo phù hợp: Google Ads cung cấp nhiều loại quảng cáo, bao gồm quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo hiển thị, quảng cáo video và nhiều loại khác. Chọn loại quảng cáo phù hợp với mục tiêu của bạn và đối tượng của bạn.
- Xác định ngân sách: Xác định ngân sách hàng ngày hoặc ngân sách tổng cộng cho chiến dịch quảng cáo của bạn. Hãy cân nhắc ngân sách với mục tiêu của bạn và đảm bảo có sự tính toán cho chi phí quảng cáo và giá đấu từ khóa.
- Thử nghiệm A/B: Thử nghiệm các biến thể của quảng cáo và trang đích để xem loại nào hoạt động tốt nhất. Sử dụng thử nghiệm A/B để tối ưu hóa hiệu suất chiến dịch.
- Theo dõi và đo lường: Hãy sử dụng công cụ theo dõi của Google Ads để theo dõi hiệu suất chiến dịch. Việc đo lường các chỉ số quan trọng như tỷ lệ chuyển đổi, CPC, ROI và xem báo cáo thường xuyên sẽ giúp bạn tối ưu hóa chiến dịch.
Tổng kết
Sử dụng Google Ads có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của bạn, từ việc tăng doanh số bán hàng đến tạo sự nhận thức về thương hiệu. Nhưng để đạt được hiệu suất tối ưu, việc liên tục theo dõi và tối ưu hóa là quan trọng.
Trong bài viết này, chúng ta đã khám phá qua các bước quan trọng để chạy quảng cáo Google Ads. Hy vọng Website Bán Hàng đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích và đừng quên chia sẻ bài viết nhé!