Content là gì là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi lần đầu tiếp xúc với lĩnh vực marketing và truyền thông. Bạn hẳn đã nhận ra rằng ngày càng nhiều thuật ngữ ra đời theo dòng chảy thời đại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm này cũng như những hình thức content phổ biến và những điều bạn cần lưu ý để viết content hiệu quả.
Content là gì?
Content (nội dung), trong ngữ cảnh của marketing và truyền thông, là mọi nội dung mà một tổ chức hoặc cá nhân tạo ra với mục tiêu tương tác, thu hút sự chú ý của một nhóm đối tượng hoặc khán giả cụ thể.
Content có thể ở dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và nhiều định dạng truyền thông khác. Có nhiều hình thức content và cũng khó mà phân loại chúng một cách đầy đủ. Mọi thứ bạn nhìn thấy và tiếp nhận thông tin từ chúng đều là content. Đó có thể là bài đăng trên website, bài đăng trên mạng xã hội, bản tin email, tờ rơi, trailer phim ảnh, meme, v.v.
Content marketing là gì?
Content marketing là một chiến lược tiếp thị tập trung vào việc tạo ra, phân phối và chia sẻ nội dung giá trị để thu hút và gắn kết với đối tượng mục tiêu. Mục tiêu của content marketing là tạo ra một môi trường mà thông qua đó thương hiệu hoặc tổ chức có thể tương tác, gửi thông điệp và xây dựng mối quan hệ với khách hàng hoặc cộng đồng. Content là nền tảng của chiến lược content marketing.
7 lý do vì sao content rất quan trọng
Sáng tạo những nội dung mới thú vị là rất cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Content có thể mang lại cho bạn những lợi ích không ngờ và có thể được cân nhắc trở thành một phần của kỹ thuật bán hàng hoặc chiến dịch tiếp thị. Sau đây là những lý do vì sao sáng tạo nội dung là một công việc cần thiết với doanh nghiệp.
1. Tăng tính chuyên nghiệp
Bằng cách tạo nội dung chất lượng về các chủ đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động của bạn, bạn cho thấy bạn có kiến thức sâu về chủ đề đó. Nếu bạn là một doanh nghiệp hoặc tổ chức, sáng tạo nội dung chất lượng làm tăng tính chuyên nghiệp của thương hiệu. Khi bạn tạo nội dung về một chủ đề mà bạn giỏi, bạn thể hiện bản thân mình như một chuyên gia trong lĩnh vực đó.
2. Củng cố niềm tin của khách hàng
Content giúp củng cố niềm tin của khách hàng vì nó cung cấp giá trị thực sự và thể hiện sự chuyên môn của bạn trong lĩnh vực cụ thể. Việc đăng tải thông tin đáng tin cậy và kiến thức chuyên môn trong nội dung làm cho công ty của bạn trở nên minh bạch hơn. Khách hàng thích làm việc với các doanh nghiệp mà họ cảm thấy minh bạch và chân thành.
3. Xây dựng thương hiệu
Một điều tốt về nội dung là nó có thể mạnh mẽ hơn theo thời gian. Khi bạn đăng tải nội dung đều đặn trên website của mình, bạn sẽ xây dưng được thư viện nội dung phong phú trên website của mình. Càng nhiều nội dung, khả năng người xem nhấp vào website của bạn càng cao. Tuyến chủ đề của nội dung càng thống nhất, người đọc càng dễ định hình thương hiệu.
4. Hỗ trợ SEO
Sáng tạo nội dung cho phép bạn tối ưu hóa nội dung xung quanh các từ khóa cốt lõi liên quan đến ngành hoặc chủ đề của bạn. Khi người dùng tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm, nội dung của bạn có khả năng xuất hiện ở vị trí cao hơn nếu nó chứa từ khóa phù hợp. Các công cụ tìm kiếm đánh giá cao nội dung có giá trị cho người dùng, điều này có lợi cho việc tối ưu hóa SEO.
Khám phá thêm về: SEO là gì? Lợi ích của SEO và kiến thức cơ bản
5. Thu hút khách hàng mới
Nội dung sáng tạo và độc đáo giúp bạn nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh. Nếu bạn cung cấp nội dung mà không có ai khác cung cấp, bạn có khả năng thu hút một phần lớn khách hàng. Nếu nội dung của bạn được chia sẻ trên mạng xã hội hoặc qua email, nó có khả năng tiếp cận nhiều người hơn và thu hút thêm khách hàng.
6. Tăng thị phần
Những khách hàng được thu hút bởi nội dung có thể mang lại doanh thu bán hàng cho thương hiệu. Và do đó, nội dung có thể giúp bạn tăng doanh số bán hàng và doanh thu. Nếu bạn có khả năng tạo ra nội dung đáng tin cậy và có giá trị, khách hàng có khả năng tìm đến bạn thay vì đối thủ. Từ đó, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng thị phần của doanh nghiệp.
7. Hỗ trợ cho inbound marketing
Inbound marketing là một chiến lược tiếp thị thu hút khách hàng tiềm năng bằng cách cung cấp thông tin giá trị. Điều quan trọng trong inbound marketing là tạo điều kiện cho khách hàng tìm thấy bạn tự nguyện thay vì bạn tiếp cận họ. Việc tập trung vào nội dung có thể cho khách hàng thấy được bạn có khả năng giải quyết được vấn đề của họ và chủ động tìm đến thương hiệu.
Các dạng bài viết content phổ biến thường gặp
Mọi người tiếp cận thông tin theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, có những người thích content dưới dạng chữ viết, cũng có người lại thích content dưới dạng trực quan hơn như hình ảnh hay video. Việc triển khai các kế hoạch nội dung dưới nhiều hình thức khác nhau giúp bạn tiếp cận được nhiều đối tượng hơn. Trước hết, bạn cần biết có các dạng content thường gặp nào.
Blog
Blog (viết tắt của “weblog”) là một loại trang web hoặc nền tảng trực tuyến mà người viết thường đăng tải các bài viết hoặc bài đăng gần như hàng ngày. Các bài viết trong blog thường được hiển thị theo thời gian, bài viết mới nhất hiển thị đầu tiên. Blog có thể về nhiều chủ đề khác nhau và phục vụ cho nhiều mục đích như viết lách cá nhân, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, quảng bá doanh nghiệp hoặc sản phẩm.
Video
Video là một hình thức content trực quan mà doanh nghiệp (người tạo content) sử dụng để kết nối với khán giả, truyền tải thông điệp và chia sẻ kiến thức. Đối với những khán giả không mấy ưa chuộng việc đọc thì sử dụng video để truyền tải thông điệp là rất hợp lý. Một thương hiệu có thể tạo ra các video như:
- Video hướng dẫn: Loại video này giúp người xem học cách làm một việc cụ thể hoặc giải quyết một vấn đề. Những video này có mục đích chia sẻ kiến thức và kỹ năng thay vì bán hàng.
- Livestream: Livestream cho phép bạn tương tác với khán giả trực tiếp và trò chuyện với họ theo thời gian thực. Doanh nghiệp có thể tương tác với người xem và giải đáp những thắc mắc của họ về thương hiệu.
- Video hài hước: Hình thức này chủ yếu được sử dụng để kết nối với khách hàng. Những nội dung hài hước có thể làm khách hàng cảm thấy gần gũi hơn với thương hiệu và chủ động tìm hiểu về doanh nghiệp.
- Video giới thiệu sản phẩm: Khi doanh nghiệp tung ra sản phẩm mới, họ có thể phát hành một video được đầu tư chỉn chu để giới thiệu về sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
- Video sự kiện: Nếu doanh nghiệp tổ chức các sự kiện hoặc hội thảo, họ có thể ghi lại các khoảnh khắc quan trọng để thể hiện sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
Hình ảnh
Hình ảnh là một cách mạnh mẽ để truyền tải thông điệp. Hình ảnh đẹp có thể khiến khách hàng ưa thích nội dung do doanh nghiệp sản xuất hơn. Hình ảnh không chỉ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ mà còn thúc đẩy tương tác và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Phong cách hình ảnh còn có thể phản ánh thương hiệu và giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu tốt hơn.
Infographic
Infographic là một loại nội dung trực quan đặc biệt kết hợp giữa nội dung chữ và hình ảnh. Infographic biến thông tin phức tạp thành các biểu đồ, đồ thị, và hình ảnh minh họa dễ hiểu. Chúng giúp người xem dễ dàng tiếp thu và chia sẻ kiến thức. Hình thức này chủ yếu được dùng để giải thích quy trình, trình bày các mốc sự kiện, biểu diễn dữ liệu thống kê hoặc kết quả nghiên cứu.
Podcast
Các podcast thường là các chương trình phát thanh, thảo luận hoặc bài giảng về nhiều chủ đề khác nhau, từ tin tức, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, giáo dục, kinh doanh, đến giải trí, thể thao và nhiều chủ đề khác. Người tạo podcast thường là cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức có kiến thức hoặc quan điểm độc đáo về một chủ đề cụ thể. Người nghe podcast có thể tải về các tập phát thanh hoặc xem video qua các ứng dụng hoặc trình duyệt web.
Ebook
Ebook (viết tắt của “electronic book”) là một dạng của sách điện tử hoặc sách số được lưu trữ và truy cập thông qua các thiết bị điện tử, chẳng hạn như máy tính, máy đọc sách điện tử (eReader), máy tính bảng, hoặc điện thoại di động. Ebooks thường có định dạng kỹ thuật số (ví dụ: PDF, EPUB, MOBI) và có thể được đọc trực tuyến hoặc tải về để đọc offline.
User-generated content
User-generated content (UGC) là một loại nội dung tạo ra bởi cộng đồng người dùng hoặc khách hàng thay vì được tạo ra bởi tổ chức hoặc thương hiệu. Một số ví dụ về UGC bao gồm viết bài đánh giá về sản phẩm hoặc dịch vụ, chia sẻ trải nghiệm, selfie hoặc tạo video về sản phẩm. Đây là một cách mà người tiêu dùng có thể thể hiện ý kiến của họ và góp phần vào việc xây dựng thương hiệu.
Newsletter (Bản tin email)
Newsletter là một loại thông điệp hoặc bản tin được gửi đi định kỳ thông qua email hoặc các phương tiện truyền thông kỹ thuật số khác đến một tập hợp người đăng ký hoặc người quan tâm đến một chủ đề cụ thể. Thông qua newsletter, người tạo nội dung hoặc tổ chức có thể cung cấp thông tin mới nhất, cập nhật, tin tức, và nội dung giáo dục đến đối tượng mục tiêu của họ.
Meme
Meme là hình ảnh, video hoặc văn bản truyền tải sự hài hước về các sự kiện hoặc trào lưu xã hội hiện đang diễn ra. Meme thường lan truyền nhanh chóng qua các trang web chia sẻ hình ảnh, mạng xã hội và các kênh truyền thông kỹ thuật số khác. Các doanh nghiệp muốn thiết lập quan hệ gần gũi hơn với khách hàng có thể cân nhắc đến loại hình content này.
Hướng dẫn viết content chất lượng, hiệu quả hơn
Mặc dù không có công thức nào để viết nội dung chất lượng cao, dưới đây là một số cách xây dựng content giúp bạn làm content hiệu quả hơn.
1. Viết tiêu đề ấn tượng
Tiêu đề là yếu tố quyết định xem khán giả có đọc phần còn lại của bài viết hay không. Nếu tiêu đề không thể gợi lên sự quan tâm của người đọc thì họ sẽ không nhấp vào để tìm hiểu thêm. Dù nội dung của bạn có đầu tư đến mức nào, nếu tiêu đề không đủ thu hút thì bài viết cũng không mang lại kết quả như mong đợi.
Một số cách làm content giúp bạn viết tiêu đề hay hơn chính là:
- Ngắn gọn, tập trung vào vấn đề
- Đề cập đến lợi ích người dùng có được từ bài viết
- Đặt tiêu đề dạng câu hỏi
- Thêm số vào tiêu đề
- Sử dụng tính từ
2. Viết đoạn dẫn nhập/ đoạn sapo hay
Sau khi người dùng nhấp vào bài viết (tiêu đề đã có thể thu hút được họ), bạn chỉ có vài giây ngắn ngủi để giữ chân người đọc. Người đọc thường không có kiên nhẫn để đọc toàn bộ bài viết mà sẽ lướt qua xem nội dung có điều gì thú vị mà họ muốn biết.
Do đó, đoạn mở đầu bài viết ngay sau tiêu đề cũng rất quan trọng. Phần này nên giúp người đọc nắm được ý chính rằng bài viết nói về điều gì nhưng cũng cần có khả năng thôi thúc họ đọc tiếp.
3. Thêm số liệu dẫn chứng
Đôi khi, bạn sẽ cần đề cập đến những số liệu để củng cố cho luận điểm và tính xác thực của điều mà mình viết ra. Khi bạn cung cấp số liệu cụ thể hoặc thông tin liên quan từ các nguồn đáng tin cậy, bạn đang làm tăng độ tin cậy của bài viết. Người xem có thể đánh giá cao điều này và quay lại website sau đó vì họ biết rằng nội dung của bạn dựa trên những thông tin chính xác.
Ví dụ, bạn viết một bài viết về nữ quyền và đề cập đến tình trạng bị phân biệt tại nơi làm việc. Bạn có thể cung cấp một nghiên cứu hoặc khảo sát để chứng minh cho điều này. Những con số không biết nói dối và chúng có tác động rất lớn trong việc khẳng định tính đúng đắn của nội dung. Đừng quên trích dẫn nguồn đầy đủ hoặc dẫn link đến bài viết mà bạn sử dụng số liệu từ đó.
4. Sử dụng các đoạn văn ngắn
Việc chia nhỏ nội dung bài viết mang lại những lợi ích quan trọng và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Những đoạn văn ngắn thường dễ đọc hơn và giúp người đọc tiếp thu thông tin nhanh hơn. Ngược lại, những đoạn văn quá dài sẽ khiến người đọc bị “nản” và khó tập trung vào nội dung.
Tuy nhiên, cần chú ý ngắt các đoạn văn sao cho hợp lý và không bị mâu thuẫn hoặc gây ra sự khó hiểu. Bạn có thể ngắt nội dung dựa trên các ý chính hoặc một phần nội dung cụ thể. Như vậy, bài viết trở nên dễ hiểu hơn và người đọc có những điểm dừng để nghỉ ngơi hoặc xem lại nội dung họ vừa lướt qua.
5. Nội dung quan trọng đề cập trước
Thực tế, mọi người sẽ không dành quá nhiều thời gian để đọc cả một bài viết dài mà chỉ đọc nội dung mình cần. Nếu bạn sắp xếp nội dung quan trọng nhất phía dưới cùng để lôi kéo sự quan tâm của độc giả, điều này có thể là một sai lầm. Người đọc có thể thoát trang trước khi họ lướt xuống nội dung quan trọng nhất. Vì vậy, hãy đẩy những nội dung bạn muốn nhấn mạnh và quan trọng lên đầu bài viết.
6. Tập trung vào người đọc
Trước khi tạo ra content, bạn cần biết đối tượng mình cần nhắm đến là ai. Mỗi nhóm đối tượng có những mối quan tâm riêng biệt và bạn có thể cần tiếp cận họ bằng những hình thức content khác nhau hoặc chủ đề khác nhau. Do đó, những nội dung mà bạn tạo ra cần thu hút đối với đối tượng mục tiêu.
7. Kiểm tra lại trước khi xuất bản
Sau khi bạn đã tạo xong bản nháp đầu tiên, hãy xem lại nội dung để tìm ra những lỗi diễn đạt hoặc những sai sót. Không có giới hạn nào cho việc chỉnh sửa và biên tập nội dung. Xem xét càng kỹ, bạn càng tối ưu nội dung tốt hơn và ngay cả những chuyên gia content nhiều kinh nghiệm cũng không thể tạo ra nội dung hoàn hảo ngay lần đầu tiên.
Tạo content hiệu quả là rất quan trọng trong việc biến lượt truy cập trang web thành những khách hàng thực sự. Bạn không chỉ cần tạo ra nội dung nhưng là nội dung chất lượng cao. Các công cụ tìm kiếm có thể quét nội dung và xếp hạng các trang web chất lượng cao hơn những trang web không đầu tư vào nội dung.
Kết luận
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu content là gì và những hình thức phổ biến nhất. Nội dung không chỉ dưới dạng văn bản mà còn dưới dạng hình ảnh, video, podcast, v.v. Với sự phát triển của công nghệ, việc tập trung xây dựng nội dung trực tuyến là rất quan trọng. Hy vọng Website Bán Hàng đã cũng cấp những thông tin hữu ích và đừng quên quay lại vào ngày mai để đọc thêm nhiều bài viết thú vị nhé!